Lịch sử Chùa_Quốc_Ân

Đôi nét về vị khai sơn

Tổ sư Nguyên Thiều, pháp tự là Hoán Bích, người ở Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc sang hoằng hóa ở Việt Nam vào năm 1677 ở tại phủ Quy Ninh (nay là Bình Định) lập chùa Thập Tháp-Di Đà.

Vào khoảng năm 1682-1684, dưới thời chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) sư Nguyên Thiều ra Phú Xuân ở xứ Thuận Hóa, sư chọn chân đồi Hòn Thiên (chân núi Bân), phía trái núi Ngự Bình để dựng chùa Vĩnh Ân và tháp Phổ Đồng. Chúa Nguyễn Phúc Tần đóng góp ngân khoản xây chùa.

Năm 1687, sư được chúa Nguyễn Phúc Thái cử về Trung Quốc để rước cao tăng sang truyền giới cho chư tăng Đại Việt, đồng thời thỉnh một số tượng Phật và đồ pháp khí từ Trung Quốc.

Năm 1695, sư Nguyên Thiều đã được cử làm trụ trì chùa Phổ Thành ở làng Hà Trung, nay thuộc xã Vinh Hà, huyện Phú Lộc. Tại đây sư đã thiết trí một tượng Quan Âm bằng đá thỉnh từ Trung Quốc, nay vẫn còn.[1]

Thiền sư tịch năm Mậu Thân (1728).

Từ Vĩnh Ân trở thành Quốc Ân

Sư Nguyên Thiều là người được chúa Nguyễn Phúc Thái trọng vọng, năm 1689, chúa cho miễn thuế đất và đổi hiệu chùa là Quốc Ân và ban tấm biển "Sắc tứ Quốc Ân Tự".[2]

Chùa trải qua nhiều lần trùng tu theo sự thăng trầm của lịch sử. Vào năm 1786 chiến sự giữa nhà NguyễnTây Sơn nổ ra, chùa Quốc Ân bị tàn phá rất nặng nề, ngôi tháp Phổ Đồng đã bị phá hủy hoàn toàn. Chùa chỉ lưu giữ được một số bia ký, văn khế và một số tượng khí, pháp khí.

Đến năm 1806, khi Long Thành Thái trưởng công chúa cúng 300 quan tiền, chùa bắt đầu tu sửa.

Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), khi Hòa thượng Mật Hoằng dâng sớ xin trùng tu chùa Quốc Ân, vua cấp 500 quan tiền và các vật dụng. Trong đợt trùng tu này, chùa xây dựng lại chánh điện, chú tạo lại tôn tượng Phật A Di Đà, tổ đường và long vị chư Tổ...

Năm 1851, Hòa thượng Từ Hòa - Liễu Triệt tiếp tục trùng tu và dựng cổng tam quan. Sau đó ít lâu, chùa được Thái trưởng công chúa cúng dường 400 quan tiền để hòa thượng Liễu Chơn tu tạo tượng Phật Thích Ca và Di Lặc...[3]